Searching...
Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

[Văn hóa] -Ngành du lịch: Vượt mục tiêu đón 8,2 triệu du khách

Ứng phó với tình hình khó khăn hiện nay, ngành du lịch đã đưa ra nhiều giải pháp cấp bách. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường lạc quan cho rằng, ngành du lịch năm 2014 sẽ vượt mục tiêu đón 8,2 triệu lượt khách.


Du lịch Việt Nam đang đẩy mạnh quảng bá hình ảnh

CôngThương - Triển khai chiến dịch “Vietnam Exciting- Việt Nam điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện”, ngành du lịch kỳ vọng điều gì, thưa ông?

Đây là chiến dịch ngắn, gồm các hoạt động cụ thể như: Họp báo quốc tế, khảo sát các điểm du lịch hấp dẫn, kết nối doanh nghiệp xây dựng sản phẩm, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch ra thế giới. Có thể nói, triển khai chiến dịch “Vietnam Exciting” là nhằm khẳng định lại vị thế của du lịch Việt Nam.

Vậy kinh phí cho xúc tiến, quảng bá du lịch như thế nào?

Hạn chế của ngành du lịch là kinh phí xúc tiến, quảng bá của Việt Nam chỉ bằng 1/20 so với các nước khác. Tuy nhiên, dự kiến trong tháng 8 này, nghị quyết về phát triển du lịch trong tình hình mới sẽ được Chính phủ ban hành, trong đó, có nội dung tăng cường công tác xúc tiến quảng bá. Theo đó, ngoài sử dụng ngân sách nhà nước, chúng ta sẽ lấy chính nguồn thu từ khách du lịch. Chẳng hạn, một khách quốc tế ngủ một đêm ở Việt Nam sẽ đóng góp 1 đô la. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ có hàng triệu đô la cho công tác xúc tiến quảng bá.

Nhằm chủ động ứng phó với tình hình mới, Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch thống nhất triển khai một số giải pháp cấp bách về thông tin môi trường du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện; xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm nhằm giữ vững kế hoạch đón du khách quốc tế năm 2014.

Để thu hút du khách, một vấn đề không kém phần quan trọng là đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh. Vậy đề xuất miễn giảm thị thực thêm cho một số thị trường hiện ra sao?

Liên minh Châu Âu đang nới lỏng việc cấp thị thực cho Việt Nam. Nhật Bản cũng đã nới lỏng quy định cấp thị thực và dần hướng tới miễn thị thực cho du khách Việt Nam. Một số nước trong khu vực cũng vậy. Đặc biệt đến năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập sẽ tạo điều kiện cho phát triển du lịch. Do đó, chúng ta cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, tiếp tục áp dụng các chế độ ưu đãi riêng biệt đối với 7 thị trường hiện nay, xem xét từng bước mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực đơn phương; thực hiện cấp thị thực điện tử (E-visa); tham gia các thỏa thuận thị thực chung (ACMECS, ASEAN). Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất về miễn giảm thị thực để xem xét, mở rộng đối tượng nhằm bảo đảm lợi ích về cả mặt ngoại giao, chính trị và kinh tế.

Ngoài hoạt động đối ngoại, ngành du lịch sẽ làm gì để níu chân du khách?

Với tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, văn hóa, lịch sử, Việt Nam có sức hút rất lớn với du khách quốc tế. Tuy nhiên, cần phải khai thác tốt hơn và chú trọng đi vào chiều sâu, chất lượng. Sản phẩm du lịch, môi trường, dịch vụ phải đáp ứng yêu cầu của du khách. Mặt khác, chúng ta phải thay đổi tư duy làm du lịch, tức là phải tính đến hiệu quả, chứ không chạy theo số lượng. Tăng trưởng khách du lịch không chỉ về mặt con số, mà quan trọng nhất là mang lại lợi ích cho người dân và sự hài lòng của du khách.

Mục tiêu đón 8,2 triệu lượt khách quốc tế và doanh thu đạt 240 tỷ đồng có khả thi?

Hiện ngành du lịch đang thực hiện hàng loạt các giải pháp để thu hút du khách. Đặc biệt, sau các chuyến xúc tiến nước ngoài, tổ chức roadshow, tham gia các hội chợ… chúng ta cũng đã có những cam kết, ký hợp đồng hợp tác về du lịch với các nước. Tôi tin rằng, với sự quan tâm của Chính phủ, sự đầu tư của các bộ, ngành, lượng khách quốc tế chắc chắn sẽ tăng lên, vượt kế hoạch đề ra.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh (thực hiện)


Du lịch Việt Nam đang đẩy mạnh quảng bá hình ảnh

PHẢN HỒI

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!