Searching...
Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

[Giáo dục ] -“Kiểm định” tiến sĩ?

Cả nước hiện nay có đến 24.000 tiến sĩ và con số thạc sĩ hẳn sẽ nhiều hơn gấp nhiều lần. Và dư luận cũng sẽ không khỏi băn khoăn khi tự đặt câu hỏi. Liệu trong số ấy có bao nhiêu phần trăm là tiến sĩ thật, thạc sĩ thật?

Câu chuyện ngã giá để mua tấm bằng tiến sĩ ở một trường đại học đang gây xôn xao dư luận không phải là đề tài mới. Song nó lại được mọi người đặc biệt quan tâm. Vì sao một câu chuyện có thể được liệt vào dạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” lại làm cho cả xã hội phải giật mình? Cũng giống như bao câu chuyện vỉa hè về nạn mua quan, bán chức hay tham nhũng vậy. Ai cũng nghe nói. Thậm chí nó được đưa vào hàng “quốc nạn”.



Sính bằng cấp đã len lỏi vào các bộ, ngành và các cơ quan

Nhưng để có một cá nhân cụ thể, một địa chỉ cụ thể hoặc chí ít ra là một câu chuyện cụ thể người thật việc thật như chuyện ngã giá trên thì quả là của hiếm. Và cũng chính vì vậy, mà câu chuyện mua tấm bằng tiến sĩ với giá 200 triệu đồng đã làm cho cả xã hội phải giật mình.

Càng giật mình hơn, khi cả nước hiện nay theo số liệu của Bộ Khoa học - Công nghệ có đến 24.000 tiến sĩ và con số thạc sĩ hẳn sẽ nhiều hơn gấp nhiều lần. Và dư luận cũng sẽ không khỏi băn khoăn khi tự đặt câu hỏi. Liệu trong số ấy có bao nhiêu phần trăm là tiến sĩ thật, thạc sĩ thật?

Thật chua chát, khi nghe chuyện kể. Một người dân đã phát biểu với một vị lãnh đạo. Bây giờ vào bệnh viện không thấy bác sĩ? Vị lãnh đạo mới nghe liền thắc mắc. Bệnh viện mà không có bác sĩ thì ở đâu mới có? Người dân liền nói tiếp. Chỉ thấy toàn tiến sĩ với thạc sĩ không?

Thật không khó để thống kê số lượng các tiến sĩ, thạc sĩ trong các bộ, ngành và các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Lại càng chua chát hơn với câu hỏi. Không biết các vị cán bộ ấy lấy thời gian đâu để học với hành mà bằng này cấp nọ nhiều dữ vậy?

Những câu chuyện một lần nữa như minh chứng cho lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tại một hội nghị của ngành giáo dục: "Ở Mỹ, tiến sĩ chỉ làm việc trong các viện nghiên cứu, trường học. Còn ở Việt Nam, đang có xu hướng phổ cập tiến sĩ, thạc sĩ...".

Trở lại câu chuyện ngã giá mua tấm bằng tiến sĩ y khoa đang gây xôn xao dư luận. Rất tiếc sự việc lại chỉ dừng lại ở chuyện kiểm điểm, xử lý người liên quan như bao câu chuyện tiêu cực đã xảy ra. Mà lẽ ra các cơ quan chức năng phải tìm ra căn nguyên của vấn đề và có cách giải quyết triệt để.

GS.TSKH Hoàng Xuân Sính cho biết: “Căn nguyên trực tiếp dẫn đến sự tha hóa của bằng cấp chính là khi ông lãnh đạo quá đề cao chức danh hay học vị thì cấp dưới của họ sẽ giơ ngay bằng nọ bằng kia để được đề bạt, thăng tiến nhanh hơn”. Đây cũng là một cách để giải thích căn nguyên. Còn cách giải quyết triệt để?

Nên chăng, nhân dịp này, ngành giáo dục cùng các cơ quan chức năng cần có một cuộc tổng rà soát và “kiểm định” lại tất cả tấm bằng tiến sĩ và thạc sĩ trong cả nước. Một mặt loại bỏ được những tiến sĩ, thạc sĩ “giả”. Một mặt trả lại sự công bằng cho các tiến sĩ, thạc sĩ chính hiệu vậy. Và trên hết cần có một chế tài thật nghiêm đối với những hành vi không trung thực với bằng cấp mà trước hết là trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Nguyên Vinh


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!