Searching...
Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

[Pháp luật ] -Siết chặt quản lý xe khách

QĐND - Trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, 3 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách đã cướp đi sinh mạng của 18 người, làm hàng chục người khác bị thương. Không phải đến bây giờ, nguy cơ gây tai nạn từ xe khách mới được cảnh báo, thực tế, việc quản lý loại phương tiện vận tải này đã bộc lộ nhiều bất cập, cần được siết chặt từ chính cơ quan chức năng.

Kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô là loại hình kinh doanh có điều kiện, trong đó chia thành nhiều hình thức như: Xe khách tuyến cố định, xe chạy hợp đồng, xe buýt, xe tắc-xi… Mặc dù vậy, thực tế hiện nay đang có sự chồng lấn giữa các hình thức kinh doanh vận tải xe khách. Xe hợp đồng vẫn hoạt động như xe tuyến cố định hay xe dù, bến cóc, vòng vo đón khách… Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách mà còn dẫn đến mất an toàn giao thông, an ninh trật tự. Sau vụ tai nạn liên quan đến xe khách biển kiểm soát 29B-085.82 tại Quốc lộ 4D trên địa bàn tỉnh Lào Cai vào ngày 1-9 vừa qua, nhiều sai phạm của đơn vị vận tải là Công ty Minh Thành Phát (Hãng xe Sao Việt) đã được phát hiện. Xe khách gây tai nạn chỉ được cấp phép từ Hà Nội lên TP Lào Cai nhưng vẫn hành trình đi Sa Pa. Trước đó, “nhà xe” này từng bị nhắc nhở vì đón khách không đúng nơi quy định, không bảo đảm lịch trình.


Quản lý xe khách đang đặt ra nhiều vấn đề với cơ quan chức năng.

Tại cuộc tọa đàm được tổ chức gần đây về vấn đề xe khách trá hình, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho rằng, muốn giải quyết được những vấn đề về quản lý xe khách, cần phải quy hoạch các tuyến vận tải hành khách. Bộ GTVT đang cố gắng đến cuối tháng 12-2014 sẽ ban hành quy hoạch này, từ đó sẽ đưa hoạt động vận tải vào quy củ. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cần thiết phải sửa đổi quy định hiện hành về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hướng nghiêm cấm xe hợp đồng đón trả khách ngoài phạm vi ghi trong hợp đồng. Với xe tuyến cố định, hiện đã có 19 địa phương xây dựng điểm đón, trả khách dọc đường cho loại xe này. Đến 31-12-2014, sẽ hoàn thành việc xác định điểm đón, trả khách trên cả nước. Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần siết chặt quy định cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, không để những đơn vị chỉ có 2-3 xe cũng được cấp phép hoạt động.

Hiện nay, khá nhiều đơn vị kinh doanh vận tải lựa chọn sử dụng xe giường nằm hai tầng. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, toàn quốc hiện có hơn 4.500 xe khách giường nằm hai tầng. Từ tháng 1-2013 đến nay, cả nước đã có 22 vụ TNGT liên quan đến xe khách hai tầng, trong đó, khoảng 30% xảy ra trên các đoạn đường đèo núi hẹp, dốc, tầm nhìn hạn chế. Lo ngại về điều kiện kỹ thuật của xe khách giường nằm, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu phải quy định xe khách giường nằm không được đi đường đèo dốc, đường miền núi quanh co. Đến nay, mặc dù chưa có trường hợp TNGT nào liên quan đến xe khách giường nằm được xác định do nguyên nhân kỹ thuật, nhưng công tác thử nghiệm, kiểm tra phương tiện này cần phải được quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa, bảo đảm an toàn phương tiện trước khi đưa vào lưu thông.

Bài, ảnh: BẢO LINH


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!