Searching...
Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

[Giáo dục -Lao Động] - Chuyện xóa đói, giảm nghèo ở một số địa phương: Cho dân “cần câu” nhưng phải tạo môi trường “nhiều cá“

LTS: Xóa đói, giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những thành công nhất của Việt Nam trong những năm qua. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số nhận xét cho rằng, công tác xóa đói, giảm nghèo còn nhiều bất cập; rằng nhiều nơi mới chỉ chăm chăm cho dân "con cá" chứ chưa cho "cần câu", và nếu có cho "cần câu" cũng phải tạo ra nhiều ao, hồ có "cá"; rằng bộ máy phục vụ cho công tác này chồng chéo, cồng kềnh, tiêu tốn nhiều tiền của nên đồng tiền thực chất đến tay người nghèo không còn bao nhiêu...?


Ông Nghĩa - một người dân được cấp trâu từ chương trình 30a - nhưng đến nay trâu bị bệnh, ông phải chuyển qua nuôi lợn. Ảnh: A.T

Để tìm hiểu sự thật, các PV Báo Lao Động đã trực tiếp "thị sát" một số địa phương được cho là nghèo khó nhất nước, với mong muốn công tác xóa đói, giảm nghèo phải đi vào thực chất, giúp đồng bào xóa nghèo một cách vừa nhanh chóng, vừa bền vững, căn cơ.

Bài 1:

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các huyện nghèo: Lấy thúng úp voi

Mỗi năm, một huyện nghèo chỉ được cấp trên dưới 400 triệu đồng để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nguồn vốn lại thường chậm trễ nên chẳng khác gì lấy thúng úp voi. Các trung tâm dạy nghề ở các huyện nhìn bề ngoài rất hoành tráng, nhưng “ruột” thì vẫn còn trống rỗng, học viên cơ bản vẫn là học chay. Học nghề mà không sống được bằng nghề.

Hoành tráng phần vỏ

Trung tâm Dạy nghề huyện Kỳ Sơn được đưa vào sử dụng từ năm 2012, với tổng mức đầu tư lên đến 9 tỉ đồng. Bà con kỳ vọng những nghề được học sẽ giúp họ nhanh chóng xóa nghèo, như tin học văn phòng, dệt thổ cẩm, đan lát, mộc dân dụng, cơ khí, sửa chữa xe máy, may mặc... Tuy nhiên, từ tháng 6.2013, các phòng học của trung tâm ở trong tình trạng “nghỉ đông” vì không mở thêm được lớp nghề. Trong khi đó, nhu cầu xin học nghề tại trung tâm lại rất lớn. Em Xồng Bá Lông (ở bản Trường Sơn xã Nậm Cắn) tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên em đã xin vào học nghề ở trung tâm dạy nghề của huyện để sớm có việc làm phụ giúp bố mẹ, nhưng gần nửa năm qua mà vẫn không được bố trí học”.

Ông Moong Thanh Nghệ - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Kỳ Sơn - thừa nhận: “Năm 2013 số học sinh đăng ký học tại đơn vị lên đến 15 lớp (30 học sinh/lớp) nhưng trung tâm chỉ mở được 7 lớp. Vì tỉnh chỉ cấp có 400 triệu đồng tiền đào tạo nên trung tâm chỉ mở được chừng đó lớp. Giờ không có tiền nên chúng tôi đành chịu bó tay ngồi không. Học sinh đến đăng ký cũng chịu, không thể mở thêm lớp được”. Cũng theo ông Nghệ, việc triển khai số lớp học tại trung tâm phụ thuộc vào kinh phí và chỉ tiêu tỉnh giao hằng năm.

Ở huyện Tương Dương, trung tâm dạy nghề cũng được đầu tư xây dựng to đẹp, đàng hoàng. Nhưng, trong 8 phòng học thì chỉ có duy nhất 1 phòng được trang bị bàn ghế, còn lại vẫn đang trống hoác. Ông Trần Văn Thông - Giám đốc trung tâm - cho biết: Đến chỗ ngồi làm việc của giám đốc cũng đang phải kê tạm, nói chi đến các thứ khác. Nhưng, căng nhất là thiết bị phục vụ đào tạo nghề. Một trung tâm lớn như thế mà chỉ có mấy chiếc máy khâu cũ kỹ, vài bộ mô hình xe máy đã hết khấu hao từ lâu. Cũng theo ông Thông, trung tâm phải về tại bản để mở các lớp học chăn nuôi, trồng trọt cho dân, còn các nghề phi nông nghiệp thì còn ì ạch lắm. Ông nói: Ở Tương Dương vẫn có nơi chưa có đường giao thông vào bản, vậy thì học sửa xe máy xong cũng chẳng để làm gì; có nơi chưa có điện, học nghề điện dân dụng chỉ tổ vô ích, rồi một số nghề khác nữa, phần lớn học viên học xong đều không có điều kiện hành nghề.

Hào hứng với nghề nông

Đúng như lời ông Thông, bất kỳ ở xã nào của huyện Tương Dương, bà con đều rất hào hứng học nghề chăn nuôi lợn. Ở bản Chắn, chị Lô Thị Quanh rất vui: “Trước đây nhà không chăn nuôi chi cả, chỉ biết làm rẫy thôi. Sau khi được học 3 tháng, cả 32 người theo học đồng loạt chăn nuôi lợn. Nhà ta hai năm nay đều xuất chuồng 3 lứa lợn mỗi năm. Tính ra mỗi năm cũng lãi được chục triệu đồng, mừng lắm”.

Chị Lô Thị Nhung - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Chắn - cũng cho biết: Bà con rất hào hứng với nghề chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh. Trong ba tháng trời theo học, lớp học tự mua lợn để nuôi chung, để ai cũng có điều kiện thực hành nên bà con rất hồ hởi.

Ở bản Mác, chị Vy Thị Hoa tuy đã được học nghề dệt thổ cẩm và đã làm nghề thành thạo, nhưng vẫn có nguyện vọng được học thêm nghề chăn nuôi. Chị nói: Nghề dệt chỉ làm khi nông nhàn thôi nên ta muốn được học thêm nghề nuôi lợn, nuôi gà để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Có sức khỏe thì nên làm thêm nhiều việc.

Ông Vi Văn Tỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Giám - đã rất vui: Nghề nuôi lợn và trồng rau ở xã chúng tôi phát triển lắm, bà con rất hào hứng. Nhưng các lớp học nghề chủ yếu là dạy cho phụ nữ, tôi rất muốn có những lớp đào tạo nghề cho nam giới, như mộc, nề. Nếu được đào tạo, đối với người lớn tuổi, họ có thể làm nghề ngay tại địa phương hoặc vùng lân cận; với thanh niên thì có nghề để đi lao động xa hơn, nhất là đi xuất khẩu lao động.

Chúng tôi đã mang những tâm tư của bà con đến gặp Trưởng phòng LĐTBXH huyện Tương Dương, ông Kha Đình Phê tỏ ra đã nắm rất chắc. Ông cho rằng, hiệu quả nhất hiện nay của đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn là những nghề chăn nuôi, trồng trọt, còn các nghề khác thì không mấy ai hào hứng học, và có học xong cũng rất khó mà sống được bằng nghề. Và điều mà ông Phê trăn trở nhất hiện nay là công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) đối với con em của các huyện nghèo.

Ông cho biết: Từ năm 2010 đến nay, cả huyện có 120 thanh niên đi XKLĐ sang Malaysia. Số này được các công ty XKLĐ về tuyển, học tiếng, học định hướng nghề ở đâu đâu huyện không giám sát được. Các cháu phần lớn tay nghề thấp nên sang làm việc lương cũng thấp, tiếng xấu đồn về, thế là lứa sau không muốn đi nữa. Mà ngay các Cty XKLĐ cũng không muốn tuyển đối tượng thuộc các huyện nghèo, vì thủ tục thanh quyết toán rườm rà, lợi nhuận thấp. Chưa kể những rủi ro của tư tưởng vô kỷ luật như bỏ học, bỏ việc...

Đoạn ông Phê tâm sự: "Nói thật với anh, mấy thị trường hấp dẫn như Nhật Bản, Hàn Quốc thì còn lâu mới đến lượt con em chúng tôi. Phần vì do các thị trường đó đòi hỏi trình độ tay nghề cao, ngoại ngữ tốt, nhưng phần nữa cũng có các lý do khác". Ông kể: Có chương trình đi lao động tại Nhật Bản, huyện chúng tôi được phân một số chỉ tiêu, trên tỉnh gửi hồ sơ về và yêu cầu phải nộp hồ sơ trong vòng 5 ngày, 7 ngày. Anh thấy đấy, từ huyện đi vào các xã đã mất cả mấy ngày đường, chưa kể về đến bản, rồi các cháu qua bao nhiêu khâu, bao nhiêu ngày mới làm xong một bộ hồ sơ XKLĐ. Thời hạn đánh đố thế thì ai mà làm kịp được, thế là đành phải trả lại hồ sơ. Chúng tôi vẫn biết, các chỉ tiêu đó sẽ có người khác thế vào để đi, không ai bỏ không đâu. Cuối cùng, theo ông Phê, thì cần quan tâm và ưu tiên nhiều hơn nữa để con em dân tộc, con em các huyện nghèo có cơ hội được đi XKLĐ, đặc biệt là đến các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản...


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!