Searching...
Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

[Xã hội-Báo Thế giới & Việt nam] - Duyên và nợ với ngoại giao văn hóa

Đại sứ Lê Kinh Tài đến với công tác ngoại giao văn hóa bằng một sự tình cờ và ông đã gắn bó với công việc giàu tính nhân văn này trong suốt sự nghiệp ngoại giao của mình.


Đại sứ Lê Kinh Tài và Thị trưởng thành phố Tours (Pháp).

Dù đã nghỉ hưu nhưng dường như Đại sứ Lê Kinh Tài còn bận rộn hơn cả khi còn đương chức. Hiện là Cố vấn đối ngoại của Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam, ông vẫn tiếp tục theo đuổi các dự án bảo tồn văn hóa và thường xuyên đi thực địa. Chính vì thế, “xin” một cuộc hẹn với ông thật khó. Đến khi gặp được, ông cười phân bua: "Chỉ hôm nay là tôi ở nhà. Mai tôi đi Phong Nha - Kẻ Bàng hai ngày và sau đấy thì đi châu Âu khoảng một tháng".

Cái duyên tình cờ

Ông Lê Kinh Tài tốt nghiệp Trường Ngoại giao năm 1974, với ngoại ngữ chính là tiếng Pháp. Sau thời gian công tác tại Phòng Phiên dịch và tổ tin A, ông được Lãnh đạo Bộ phân công đảm nhiệm công tác văn hóa đối ngoại của Bộ (tiền thân của Vụ UNESCO và hiện nay là Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO).

Năm đó, ông vừa bước sang tuổi 31. Thật khó hình dung, với một chuyên viên có tám năm kinh nghiệm làm phiên dịch và tổng hợp tin quốc tế sẽ bắt đầu nhiệm vụ làm văn hóa đối ngoại như thế nào. Với ông, cụm từ "văn hóa đối ngoại" khi đó đã mang đến nhiều cảm xúc thú vị. Ngay từ đầu, ông đã cảm nhận mình có thể gắn bó với công việc này lâu dài.

“Nghe thấy làm văn hóa đối ngoại cứ tưởng chuyện xa xôi ở tận đâu nhưng thực ra nó trực tiếp phục vụ chính công tác đối nội, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cho chính đất nước mình, cho người dân Việt Nam mình"

(Đại sứ Lê Kinh Tài)

Quả thực như vậy, những cảm hứng tích cực trong công việc khiến ông phấn đấu không ngừng và trở thành đam mê lúc nào chẳng hay. Sau sáu năm phấn đấu, năm 1988, ông được đề bạt lên cấp Vụ và trở thành Vụ phó trẻ nhất của Bộ Ngoại giao và được giao trọng trách là Phó Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Ông bảo: "Ngoại giao văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, thật khó đong đếm được hiệu ứng tích cực của nó đối với các lĩnh vực còn lại. Nhưng để liệt kê những dấu mốc thì có lẽ thành công rõ ràng nhất chính là con đường di sản của Việt Nam. Mỗi di sản được UNESCO vinh danh thì đi kèm theo đó là sự phát triển vượt bậc về kinh tế xã hội của địa phương, là sự tăng vọt của đầu tư nước ngoài…".

Nhưng để mỗi di sản được vinh danh thì đó lại là một chặng đường dài và không hề dễ dàng. Chẳng hạn như di sản Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, kể từ khi xuất hiện trong danh sách đề cử vào năm 1994 và trải qua không biết bao lần chỉnh sửa hồ sơ, thậm chí là thay đổi hoàn toàn hướng xây dựng hồ sơ đệ trình và kèm với đó là những cuộc giải trình, tiếp xúc, vận động, thuyết phục của những người làm công tác văn hóa đối ngoại… Có những lúc tưởng đã thất bại hoàn toàn. Thế mà, sau 11 năm, khi hồ sơ Phong Nha - Kẻ Bàng đã hoàn toàn thuyết phục được Hội đồng di sản và được UNESCO công nhận vào năm 2003.

Đại sứ Lê Kinh Tài chia sẻ: "Mỗi thành công là động lực để tôi theo đuổi. Càng theo đuổi, tôi càng thấy mình gắn bó hơn với công việc này. Cũng vì thế mà năm 2001, sau khi hoàn thành nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại Đức, Lãnh đạo Bộ đã hai lần đề xuất bổ nhiệm tôi nắm giữ trọng trách khác trong Bộ nhưng cả hai lần tôi đều khước từ vì vẫn muốn tiếp tục làm công tác văn hóa đối ngoại".

Vinh quang và trách nhiệm

Năm 1989, ông Lê Kinh Tài lên đường tới Paris nhận nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam tại UNESCO. Chính trong nhiệm kỳ Đại sứ đầu tiên này, ông đã được trải qua thử thách cam go mà cũng đầy tự hào: Tổ chức thành công Lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô nước Pháp trong thời điểm vô cùng nhạy cảm. Ông bảo, đó chính là dấu mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp ngoại giao của mình.

Sau khi trở về nước, Đại sứ Lê Kinh Tài được giao đảm nhiệm Quyền Vụ trưởng, sau đó là Vụ trưởng Vụ UNESCO (thành lập năm 1992). Ngay sau đó, với kinh nghiệm làm văn hóa đối ngoại dày dạn, ông tiếp tục được giao kiêm nhiệm vai trò Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Ông nhẩm tính: "Nếu tính từ năm 1982, khi bắt đầu chuyển sang làm UNESCO, cho đến khi nghỉ hưu, trừ đi thời gian hai nhiệm kỳ Đại sứ tại Đức (1997-2001) và Pháp (2008-2011) thì tôi có đến hơn 20 năm gắn bó với công tác ngoại giao văn hóa. Và có lẽ, tôi là người duy nhất từng trải qua tất cả các vị trí tại Vụ UNESCO, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và đại diện cho Việt Nam tại tổ chức UNESCO thế giới".

Công việc góp phần phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc và quảng bá nét đẹp ấy tới bạn bè quốc tế không chỉ là động lực để Đại sứ Lê Kinh Tài cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành ngoại giao mà những kinh nghiệm ngoại giao văn hóa còn trở thành cầu nối giúp ông tìm ra được những mắt xích không ngờ trong giải quyết những vấn đề chính trị đối ngoại trong các nhiệm kỳ Đại sứ của ông.

Khi chia tay, vị sứ giả văn hóa tuổi lục tuần cười hiền: "Làm văn hóa có nhiều cái thú vị lắm. Nghe thấy làm văn hóa đối ngoại cứ tưởng chuyện xa xôi ở tận đâu nhưng thực ra nó trực tiếp phục vụ chính công tác đối nội, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cho chính đất nước mình, cho người dân Việt Nam mình".

Thiên Đức (ghi)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!