(Xây dựng) - Một công trình xây dựng 4 tầng đồ sộ không bị xử lý theo luật, không cán bộ nào nhận trách nhiệm hay bị xử lý sau vụ việc này. Dư luận đặt câu hỏi: Có hay không chuyện chính quyền địa phương bao che, buông lỏng trong quản lý trật tự xây dựng?
Có “bảo kê” cho công trình xây dựng không phép ? Bà Nguyễn Thị Tuyết Chinh trú tại thôn Đông, xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) có gửi đơn đến Báo Xây dựng phản ánh việc ông Nguyễn Thuần Tỵ (cùng thôn) xây dựng nhà không phép, không chấp hành quyết định buộc tháo dỡ công trình vi phạm của chính quyền sở tại. Lãnh đạo UBND xã Xuân Đỉnh có dấu hiệu dung túng, bao che cho công trình xây dựng không phép hoàn thiện, tồn tại. Cách đây gần 3 năm, PV Báo Xây dựng cũng đã có bài viết phản ánh về công trình vi phạm trật tự xây dựng này trong bài viết: “Sổ đỏ không có thì làm sao có giấy phép xây dựng”. Tại thời điểm đó, vị phó chủ tịch xã Xuân Đỉnh đương nhiệm trần tình lý do không cương quyết cưỡng chế công trình vi phạm là do gia đình nhà ông Tỵ có khó khăn. Nếu đúng theo lời vị quan xã này, do chủ đầu tư rất khó khăn nên phải “hoãn” cưỡng chế thì trái ngược với sự thật rằng một ngôi nhà 4 tầng khang trang, trị giá nhiều trăm triệu đồng đã đi vào sử dụng. Theo tìm hiểu của PV, năm 2006 ông Nguyễn Thuần Tuất (chồng bà Chinh) có chuyển nhượng cho ông Nguyễn Thuần Tỵ 30m2, mặc dù việc chuyển nhượng này chưa được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, đất vẫn đứng tên ông Tuất nhưng đến tháng 3/2011, nhà ông Tỵ vẫn tiến hành đào móng, xây nhà trên phần đất trên mà không báo cáo, xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khó hiểu hơn, khi xây dựng diện tích đất nhà ông Tỵ bỗng dưng “phình” lên đến 38m2 đất chứ không phải là 30m2 đất như ban đầu. Cho đến nay, vẫn chưa xác định rõ 8m2 đất dôi ra đang có tranh chấp là đã lấn vào đất của hộ sử dụng liền kề hay lấn vào đất giao thông hào cũ của xã Xuân Đỉnh. Ngay sau thời điểm nhà ông Tỵ đào móng xây nhà, gia đình bà Chinh đã nhiều lần gửi đơn đến UBND xã Xuân Đỉnh yêu cầu có biện pháp xử lý công trình xây dựng bất hợp pháp. Qua xác minh được biết, ngày 24/3/2011 UBND xã Xuân Đỉnh lập Biên bản số 52/BB-VPHC về việc ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm đối với gia đình ông Nguyễn Thuần Tỵ vì xây dựng không phép trên đất ở. Tiếp đó, ngày 25/3/2011, UBND xã ra Quyết định số 110/QĐ-UBND do chủ tịch Nguyễn Hữu Khiêm ký về việc đình chỉ thi công công trình xây dựng do ông Tỵ làm chủ đầu tư. Tại khoản 2, điều 2 Quyết định số 110/QĐ-UBND có nêu: “Quá thời hạn 03 ngày kể cả ngày nghỉ kể từ ngày ban hành quyết định này, nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm thì bị xử lý cưỡng chế phá dỡ”. Sự việc tưởng chừng được giải quyết nếu như các văn bản xử phạt trên được triển khai thực hiện nghiêm túc. Thực tế, đến nay gia đình nhà ông Tỵ đã sinh hoạt ổn định gần 3 năm, trong khi đó việc thực thi các quyết định mà UBND xã Xuân Đỉnh ban hành vẫn chỉ nằm “trên giấy”. Bà Nguyễn Thị Tuyết Chinh cho biết: “Tính đến thời điểm này đã gần 1.000 ngày kể từ ngày quyết định đình chỉ thi công của chủ tịch UBND xã có hiệu lực, nhưng công trình vẫn tồn tại, thách thức pháp luật. Tôi cũng như bà con nhân dân sống nơi đây rất bức xúc trước hành vi không tuân thủ pháp luật của ông Tỵ, phải chăng chính quyền địa phương yếu kém về năng lực, hay vì lý do nào đó mà “bảo kê” cho công trình xây dựng nhà ông Tỵ”. “Cưỡng chế vào mắt” Tại khoản 1, Điều 12 Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị nêu rõ về Xử lý công trình xây dựng không có Giấy phép như sau: “Cưỡng chế phá dỡ nếu chủ đầu tư không thực hiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng”. Xung quanh những sai phạm kéo dài này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Khiêm – Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh xung quanh vấn đề xử lý công trình vi phạm của gia đình ông Tỵ. Trước câu hỏi của PV, tại sao đã gần 3 năm UBND xã Xuân Đỉnh không thực thi việc cưỡng chế công trình vi phạm của ông Nguyễn Thuần Tỵ, ông Nguyễn Hữu Khiêm cho biết: “Nếu nói về lịch sử thì trước cửa nhà nó (PV- tức nhà ông Tuất; ông Tỵ) còn có một cái mương chạy vòng quanh. Chẳng bao giờ cưỡng chế được cái nhà này. Nói để cho hay chứ còn sao mà làm được, cưỡng chế vào mắt. Đất trong khu dân cư, giờ đè ra phá nó có hợp lòng dân đâu”. Cũng theo ông Khiêm: “Xã chỉ tổ chức hòa giải, còn có đơn lên huyện thì huyện giải quyết, khiếu nại lên Tòa thì tòa giải quyết. Nó xây mình không để ý, chứ mình biết nó căng như thế này thì xử lý ngay”. Qua cách trả lời có thể thấy trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để công trình vi phạm ngang nhiên tồn tại trước những bức xúc của dư luận? Sau nhiều ngày đặt lịch làm việc với UBND huyện Từ Liêm, PV vẫn chưa thể gặp mặt được vị lãnh đạo trực tiếp xử lý vụ việc. Ông Nguyễn Hữu Tuyên – Chánh văn phòng UBND huyện Từ Liêm cho biết: Nếu đúng như báo chí phản ánh, chúng tôi sẽ yêu cầu UBND xã Xuân Đỉnh giải trình về việc này, và thông tin lại với cơ quan báo chí bằng văn bản. Xung quanh sai phạm nghiêm trọng này, PV đã tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Mạnh – Đội phó đội Thanh tra xây dựng huyện Từ Liêm, ông Mạnh cho biết: Về việc này, huyện Từ Liêm có nhận được đơn của bà Chinh, và yêu cầu Thanh tra xây dựng tham mưu. Sau đó, Đội đã có văn bản gửi UBND huyện về vụ việc này, nhưng đến nay huyện vẫn chưa ra quyết định xử lý. Nếu đúng luật, thì phải cưỡng chế công trình xây dựng không phép kia, và trách nhiệm lớn nhất thuộc về ông chủ tịch xã Xuân Đỉnh. Trong khi công trình sai phạm vẫn tồn tại thách thức pháp luật, việc xử lý sai phạm thì vẫn phải chờ “giải trình” và “báo cáo” từ các cấp. Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Vũ Quang |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét